CON CÁI ĐƯỢC MIỄN THUẾ

Suy niệm và sống Phúc Âm Mt 17:22-27

Trần Mỹ Duyệt

Đọc trích đoạn Tin Mừng của Thánh Mátthêu hôm nay, chúng ta có cảm tưởng là thánh ký mang cái bệnh nghề nghiệp khi viết những dòng này. Trong khi vừa đề cập đến thái độ buồn bã của các môn đệ vì nghe Chúa Giêsu nói đến những gì sẽ xảy ra cho Ngài, ông đã chuyển đề tài qua thuế khóa. Với kinh nghiệm nghề nghiệp của một nhà thu thuế, ông xem ra rất chi ly, tính toán và quan tâm đến những bổn phận xã hội của người thụ thuế. Ông đã ghi lại câu truyện Chúa Giêsu và các Tông Đồ liên quan đến việc phải đóng thuế một cách rất tỉ mỷ, chi tiết. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ kỹ lưỡng về những gì được trình bày trong đoạn Phúc Âm này, điểm chính không phải là việc thuế khóa, mà là một hình ảnh tốt lành của những người con Chúa.  

 

Tại sao chúng ta lại suy nghĩ như vậy? Thưa đó chính là Chúa Giêsu đã nhân cơ hội bị chất vấn về nộp thuế, một hình thức đòi hỏi và trách nhiệm của luật lệ để hé lộ cho chúng ta về hình ảnh những người con cái của Thiên Chúa, cũng như về tình thương mà Ngài dành cho con cái của Ngài. Thánh Mátthêu ghi lại câu hỏi của Chúa Giêsu đã hỏi ông Phêrô:  “Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Rồi cũng luôn cơ hội trả ấy, Ngài khẳng định: “Vậy thì con cái được miễn.”

 

Con cái trong nhà được miễn thuế. Dĩ nhiên là thế. Có người con nào phải trả cho cha mẹ mình đồng thuế nào cho công sinh thành, nuôi dưỡng, và dạy dỗ đâu? Con cái của Chúa cũng vậy. Họ được sống trong tự do, hạnh phúc và tận hưởng mọi phúc lộc phát xuất từ tình yêu của Ngài. Không ai phải đóng thuế cho những điều này, bởi vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ. Ngài là chủ mọi loài trên trời dưới đất. Và trên hết, Ngài là Cha của chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Mt 6:9). Qua hình ảnh cha con này, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta về vai trò làm con Thiên Chúa của mình. 

 

Là con người có hồn và có xác, có đời sống tâm linh và cũng có cuộc sống trần thế. Chính vì vậy qua câu truyện đóng thuế này, Chúa dạy chúng ta phải sống thế nào như những người con cái Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời. Chính Chúa Giêsu cũng đã sống và hành động như thế. Mang thân phận con người, dù là Con Thiên Chúa, “Ngài đã học vâng lời.” (Do Thái 5:8), đã chu toàn lề luật khi chịu phép rửa bởi ông Gioan trên sông Giodan (Mt 3:15), và hôm nay cũng đã đóng thuế như luật đòi hỏi. Đối với chúng ta, điều này có nghĩa là khi mang danh con cái Chúa, gọi Thiên Chúa là cha: Abba – lạy Cha – Cha ơi, chúng ta cũng phải sống trọn vẹn với sứ mạng của một con người trần thế, tức là phải chu toàn mọi trách nhiệm, bổn phận, và những đòi hỏi của kiếp người.

 

Đây chính là sống đạo giữa đời. Là truyền giáo qua gương sáng của việc làm và lời nói. Để như lời Chúa Giêsu dạy: “người đời nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con Đấng ngự trên trời.” (Mt 16:5)

 

Trong đời thường, chúng ta hiếm hoặc không có nhiều cơ hội và hoàn cảnh để thực hiện những việc làm lớn lao, những công trình để đời, nhưng những việc nhỏ nhoi hằng ngày để làm và cần làm với tinh thần cao cả, với sự thiện tâm và tấm lòng thì luôn luôn có. Thí dụ: Cho người khát một bát nước lã. Giúp đỡ người nghèo khổ, neo đơn, người bị bỏ rơi, quên lãng. Giúp đỡ những cô nhi, quả phụ, người già cả neo đơn và bệnh tật. Nở một nụ cười khích lệ, an ủi đối với những người đang gặp khó khăn, ngã lòng. Tha thứ cho người xúc phạm và làm phiền mình. Nhẫn nại trước những cảnh ngộ, những lúc gặp thử thách…Những việc làm như vậy chính là những gương sáng, những bài học sống đạo có khả năng chinh phục được lòng người.

 

Đóng thuế là một đòi hỏi của xã hội, nó tượng trưng cho những luật lệ, trách nhiệm và sự ràng buộc của cuộc sống. Đóng thuế tâm hồn là một đáp trả tình yêu mà chúng ta cần phải có đối với Thiên Chúa là Cha, đối với anh chị em mình vì tất cả đều là con cùng một Cha trên Trời.

 

Thiên Chúa không đòi thuế chúng ta, nhưng bổn phận làm con, chúng ta phải sống sao cho đẹp ý Ngài “dưới đất cũng như trên trời.” (Mt 6:10)